Giao thông và kiến thiết Nhà_Hạ

Trong quá trình trị thủy, Đại Vũ mở núi thông sông, có tác dụng lớn đối với sự phát triển giao thông đường thủy và đường bộ thời cổ đại. "Sử ký-Hạ bản kỷ" có viết thời Vũ trị thủy "đi đường bộ ngồi xe, đi đường thủy ngồi thuyền[chú thích 178], đi qua bùn[chú thích 179] dùng khiêu (橇)[chú thích 180], qua núi dùng cúc (檋)[chú thích 181][chú thích 182],... để mở mang cửu châu, thông cửu đạo, vượt cửu trạch, qua cửu sơn,... khi đem đồ cống tương ứng từ địa phương, đến chỗ sông núi thì có tiện lợi[tham 32]" thể hiện khi Đại Vũ trị thủy thì việc thông hành hết sức bất tiện, Đại Vũ lợi dụng các công cụ giao thông như xe, thuyền, khiêu để vượt sông suối bùn cát. Ông suất lĩnh quần chúng xây đắp đường bộ liên thông cửu châu, hỗ trợ việc thực thi chế độ cống nạp, cũng tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế giữa các nơi.[tham 163] Khu vực giao thông của Hạ hậu chiều đông tây ít là 500-600 lý, chiều nam-bắc ít là 300-400 lý.[tham 47] "Quốc ngữ-Chu ngữ" có chép "Hạ ra lệnh nói rằng tháng 9 mở đường, tháng 10 xong cầu[tham 70]", tháng 9 nông lịch là sau mùa mưa, sửa sang đường bộ, tháng 10 nông lịch là sang mùa đông khô hạn thì xây cầu.

Di chỉ Nhị Lý Đầu tại Yển Sư có quy mô lớn chưa từng thấy trong lưu vực Hoàng Hà thời viễn cổ, trong văn hóa khảo cổ cùng thời kỳ cũng không có.[tham 91] Tại trung tâm địa lý của khu vực văn hóa Nhị Lý Đầu có thể là một tòa đô ấp hoặc thành thị lớn thời Hạ.[tham 164] Đã xác nhận có hai tòa cung điện số 1 và 2, riêng tại tường phía bắc của cung điện số 2 còn có nền móng số 6 có kích thước đồng đẳng thuộc kỳ thứ 4. Hai quần thể kiến trúc này thể hiện bố cục trục tuyến giữa.[tham 160][tham 165] Cung điện số 1 có hình hơi vuông, khuyết một góc đông bắc, chiều đông tây tổng cộng rộng 96,2 mét, chiều nam bắc tổng cộng dài 107 mét, tổng diện tích mặt đất là 9585 m². Điện đường chính nằm ở phía bắc trông về phía nam, mặt rộng 8 gian, vào sâu 3 gian. Bốn phía có tường vách bao quanh, trong có lang vũ hành đạo, tường đông có một phòng bên. Trên trục tuyến giữa hướng về chính nam có cửa lớn mở rộng, phân thành ba môn đạo, mỗi phía bắc và đông có một cửa bên. Cung điện số 2 đông tây rộng 58 m, bắc nam dài 72,8 m, có tường bao quanh bốn mặt và hồi lang ba mặt đông, nam, tây. Cung điện số 1 và 2 đều có đường ống thoát nước làm từ gốm, song hệ thống ở cung điện số 2 được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh, đường ống cấu thành từ nhiều phần ống gốm liên tiếp. Mỗi phần có đường kính từ 16,5–22 cm, dài 52–58 cm, dày khoảng 2 cm, đặt trong một rãnh được đào trước sâu 1 mét dưới đất nhằm đề phòng thấm nước. Bản đá dày 5–7 cm được gác phía trên ống gốm, rãnh, nhằm đề phòng người đi tạo sức ép làm vỡ ống gốm. óng gốm có xu thế tây cao đông thấp, thông qua chênh lệch độ cao để đưa nước mưa từ trong cung điện đình viện ra bên ngoài.[tham 166] Ngoài khu cung điện có đường đất dọc ngang đan xen, xưởng thủ công, tường thành đất nện.[tham 165]